Nếu bạn muốn học viết content hoặc muốn biết lộ trình học chi tiết ra sao, việc học có khó không, mất bao lâu? Đặc biệt học viết xong cơ hội công việc thế nào? Loan sẽ chia sẻ hết với bạn trong nội dung dưới đây, hãy tập trung và đọc đến cuối bài nhé!
Nếu bạn hỏi mình có nên học viết Content không? Mình xin trả lời là Có!
Nhưng khách quan mà nói, bạn nên xem mục đích bạn học viết là để làm gì? Để kiếm tiền từ việc viết lách? Để phát triển dự án blog cá nhân? Để viết sách? Hay chỉ thấy nó hay hay thì học thử xem sao?
Vì mục tiêu học tập sẽ ảnh hưởng đến phương pháp, mức độ đầu tư về thời gian học, tài chính.
Giả sử, nếu bạn muốn trở thành CTV viết content cho các trang web, fanpage, dự án,… để kiếm tiền, hay muốn phát triển blog cá nhân một cách chuyên nghiệp thì bạn nên học. Học một cách chăm chỉ, nghiêm túc!
Học Content mất bao lâu?
Sẽ không có câu trả lời chính xác học Content mất bao lâu cho tất cả mọi người, vì mỗi người trong chúng ta có khả năng tiếp thu, học tập khác nhau.
Với những bạn có khả năng viết sẵn có, thời gian sẽ ngắn hơn những bạn vốn từ ít, ngại viết.
Cụ thể, đối với những bạn thích viết, có kỹ năng viết sẵn, được đào tạo bài bản liên tục thì thời gian nhanh nhất để học và biết viết cơ bản là vào khoảng 3 – 6 tháng.
Còn nếu bạn là dân kỹ thuật, một người thích con số hơn con chữ thì thời gian có thể lâu hơn.
Cá nhân mình xuất phát điểm là người thích viết, hay viết về cuộc sống, khi bước chân vào nghề viết mình học liên tục. Mình sẵn sàng nhận những dự án với mức nhuận bút cực thấp chỉ để lấy kinh nghiệm.
Vẫn nhớ như in lần đầu tiên nhận từ khóa để viết bài, mình chẳng biết phải bắt đầu từ đâu! Một phần vì nội dung đó là lĩnh vực mới, một phần vì trước giờ toàn viết kiểu tự sự nên không biết lên dàn bài như thế nào cho đúng.
Rồi mình đi lân la hỏi những người có kinh nghiệm, học khóa học online, tham khảo các bài viết trên mạng để biết cách đặt bút viết như thế nào!
Khoảng 2 – 3 tháng mình đã có thể tự lên dàn ý viết bài và có những hình dung rõ nét hơn về công việc mình làm. Được khoảng 6 tháng là mình bắt đầu tìm kiếm những cơ hội viết cho khách hàng để trải nghiệm và xem năng lực của mình đến đâu.
Sau 1 năm viết điên cuồng, một ngày viết 10 – 12 tiếng, mình thích công việc này và xác định sẽ gắn bó với nó lâu dài. Bên cạnh đó, mình cũng tự tin nhận dự án cá nhân, làm việc trực tiếp với khách hàng.
Rồi mình tiếp tục học những kỹ năng liên quan hỗ trợ cho công việc viết content như: Thiết kế đồ họa, SEO website, quản trị website,…
→ Tham khảo: Cách viết bài chuẩn SEO
Lộ trình học viết Content chi tiết cho người mới!
Bước 1: Xác định những thứ cần học
Content khá đa dạng, nó bao gồm cả nội dung bằng văn bản, hình ảnh, video. Bạn cần xem bản thân mình mạnh ở mảng nào để lựa chọn cho phù hợp.
Ví dụ, bạn thích viết lách thì chuyên tâm học về viết. Bạn thích sáng tạo hình ảnh hay video thì sẽ cần học thêm thiết kế đồ họa, làm video.
Bên cạnh đó, bạn cần biết những công việc mà Content thường làm là:
- Content Website: Viết bài cho website
- Social Content: Quản trị Fanpage Facebook, viết bài đăng Facebook
- Content báo chí: Viết bài PR báo, săn tin viết bài cộng tác với các báo.
Theo đó, nếu bạn muốn trở thành content website thì nên học thêm về quản trị website, thiết kế hình ảnh ở mức cơ bản. Làm social content cần đọc nhiều, xem nhiều để nắm bắt xu hướng đang thịnh hành. Làm content báo chí sẽ cần có kỹ năng săn tin, tác nghiệp,…
Bước 2: Tìm tài liệu, khóa học, tìm thầy dạy
Đây là bước khá quan trọng vì ở thời điểm “chân ướt chân ráo” vào nghề, chúng ta sẽ luôn cảm thấy hoang mang, không biết bắt đầu từ đâu.
Lúc này, hãy chịu khó tìm tài liệu trên mạng, tìm các sách viết về chủ đề Content và có điều kiện thì bạn nên đăng ký học một khóa học cho bài bản.
Cá nhân mình thấy có 2 nguồn tài liệu hữu ích là:
- Sách/Ebook
- Các kênh Youtube chuyên ngành
Tổng hợp kiến thức Content từ A đến Z
Bước 3: Thực hành viết, viết và viết
Đầu tiên, hãy xem bạn có kiến thức, yêu thích, thế mạnh ở lĩnh vực nào? Là marketing, sức khỏe, nội thất, nấu ăn, review hay làm đẹp,…?
Nên chọn ra một vài lĩnh vực bạn tự tin và thấy hứng thú để tìm hiểu và thực hành viết nhé.
Trong quá trình tập luyện, thậm chí là khi đã viết thành thạo, sẽ có lúc bạn cảm thấy sao công việc viết lách này lại chán như vậy. Có khi không “nặn” được ra chữ nào, chán chẳng muốn viết.
Nhưng việc nào cũng có cái hay cái dở, những lúc chán nản như vậy, bạn có thể không viết nữa. Thay vào đó, hãy nghỉ ngơi, làm một điều gì đó bạn thích để cân bằng lại cảm xúc. Rồi bạn sẽ lại muốn viết lại thôi.
Bước 4: Tham gia một nhóm nào đó để cùng nhau tiến bộ
Bạn hoàn toàn có thể tìm các hội nhóm của các Freelance Writer như mình, vừa là để thấy mình không cô đơn, vừa là để học hỏi từ mọi người.
Khi giao lưu với những người trong ngành, họ giỏi hơn hoặc có cá tính khác nhau sẽ giúp bạn mở mang thêm nhiều điều mới mẻ.
Bạn cũng có thể gửi những bài viết của mình để mọi người cho ý kiến đóng góp và hoàn thiện nó hơn mỗi ngày.
→ Tham khảo: 5+ sai lầm khi viết Content nhiều người mắc phải nhất!
Những cơ hội công việc sau khi học viết Content
Nếu học viết Content và viết thành thạo, bạn có thể:
- Làm cộng tác viên (CTV) viết bài cho các website, đơn vị chuyên viết bài, fanpage,…;
- Tạo blog cá nhân, xây dựng thương hiệu, bán sản phẩm dịch vụ của chính bạn hoặc cho thuê đặt quảng cáo, đăng bài PR, làm tiếp thị liên kết;
- Trực tiếp nhận dự án viết với các khách hàng lớn.
Và còn rất nhiều cơ hội khác nếu bạn xây dựng được thương hiệu cá nhân, biết cách khai thác và tìm kiếm khách hàng.
→ Tham khảo: 7+ công việc viết lách kiếm tiền có thu nhập tốt nhất!
Cá nhân mình thấy việc học viết content là cần thiết, chúng ta hoàn toàn có thể sống với nghề viết nếu biết nắm bắt cơ hội và liên tục phát triển năng lực bản thân.