Nhiều người nói với mình việc họ có sẵn những ý tưởng về một bài viết nhưng không biết bắt đầu như thế nào. Chỉ cần vượt qua được đoạn mở đầu, tất cả những nội dung sẽ được khơi thông. Vì vậy, mình đưa ra dưới đây một số gợi ý về cách mở đầu bài viết hay dành cho Content Marekting, SEO, Storyteller.
Chú ý rằng đây là những cách mở đầu cơ bản nhất mà từ đó có thể phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Hãy tưởng tượng rằng bạn càng viết nhiều, bạn sẽ càng nhuần nhuyễn trong việc sử dụng câu chữ của mình.
→ Tham khảo: Cách đặt tiêu đề bài viết hay nhất!
1. Mở đầu bài viết theo trình tự thời gian
Bạn có thể kể một câu chuyện theo trình tự thời gian từ trước đến nay, hoặc từ hiện tại lội ngược về quá khứ. Bạn có thể bắt đầu bằng: “Cách đây 3 năm/1 năm/2 tháng…”, hoặc: “Tôi của hiện tại là một người biết bằng lòng với cuộc sống nhưng trước đây thì không phải vậy…”
Bạn hiểu ý mình chứ, chúng ta hoàn toàn có thể dùng mốc thời gian nào mình muốn để bắt đầu bài viết. Và khi đã hoàn thành bài viết, nếu muốn đổi lại cách bắt đầu, chúng ta sẽ biên tập lại sau.
Đừng áp lực quá ở chuyện phải mở đầu sao cho hay nếu như bạn chưa phải là cây viết có thể viết tốt ngay ở những dòng đầu tiên.
→ Tham khảo: Cách viết bài chuẩn SEO kèm checklist
2. Bắt đầu bằng không gian
Đó có thể là vị trí nơi bạn đang đứng hoặc một không gian nào đó liên quan đến bài viết. Ví dụ:
- “Tôi đang ngồi ở một quán café nhạc Trịnh, chiếc radio cũ cất lời “thân em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi”. Tôi nhớ đến em.”, hoặc:
- “Trước cổng trường, tôi nhìn thấy một bà lão ăn xin đang chìa chiếc nón ra về phía những bố mẹ đứng đợi con…”.
- Hay ví dụ khác: “Đứng giữa vườn rau xanh mướt, mẹ chồng quay sang nói với tôi: “Tất cả đây là tài sản mẹ để lại cho 2 đứa đấy!””.
3. Mở đầu bài viết với một đoạn hội thoại
“- Hai đứa quen nhau như thế nào?
– Qua Tinder ạ, quen 6 ngày thì yêu nhau, 6 tháng thì cưới”.
Hẳn đây là một mở đầu rất quen thuộc với các thành viên trong gr Lastoryteller nếu đã đọc câu chuyện tình yêu dễ thương của bạn Mây.
Bạn cũng có thể ứng dụng cách này trong bài viết của mình. Ví dụ: [“Chị muốn bỏ nhà đi quá Linh ạ”. “Sao thế?”, tôi giật mình hỏi lại].
Những câu hội thoại luôn dễ dàng mang đến sự chú ý và khiến độc giả muốn đọc hơn. Bởi một lẽ dĩ nhiên là ai cũng thích nghe chuyện hơn là văn vở dài dòng
Mua sách “Thôi miên bằng ngôn từ” tại đây!
4. Dùng cảm xúc của mình hoặc của nhân vật để mở đầu bài viết
“Tôi đang rất buồn”, “Tôi thật sự hào hứng và muốn kể cho bạn nghe về điều này”, “Hạnh nhìn trân trân vào bức ảnh trên tay mình mà không biết phải nói gì…”, “Nỗi đau quá lớn bên trong khiến Thủy như nghẹn lời khi đứng trước tôi”, “Trước mắt tôi là một khung cảnh đầy kinh hãi”… là một số ví dụ của việc mở đầu bằng cảm xúc.
Mở đầu bằng cảm xúc cũng sẽ khiến người đọc tò mò và muốn đọc tiếp xem đâu là tình huống tạo ra những cảm xúc đó.
→ Tham khảo: Content là gì? Quy trình sáng tạo Content chuyên nghiệp!
5. Phác thảo nhân vật
Đây là một cách mà mình thường rất hay dùng. Những ví dụ đơn giản nhất là:
- “T., 30 tuổi, trưởng phòng marketing tại một công ty chuyên về thiết bị nội thất”,
- “Hoàng là một gã trai với ngoại hình đậm chất đàn ông nhất mà tôi từng biết”,
- “Cách đây 5 năm, Minh từng rơi vào cú shock lớn nhất cuộc đời khi bị chồng phản bội”, “Tôi là một người vợ của gia đình điển hình”…
Bạn có thể tìm những đặc điểm đắt giá nhất của nhân vật để đưa vào bài viết, chú ý đừng quá lan man hoặc sa đà vào miêu tả.
6. Một đoạn phim, một đoạn viết trong sách
Khi xem một bộ phim, đọc một trang sách hay một bài báo, câu chuyện trên mạng…, rất có thể bạn sẽ bị ấn tượng bởi một chi tiết hay câu nói nào đó. Bạn hãy trích dẫn ngay điều gây chú ý này để mở đầu cho bài viết.
Sau đó, bạn hoàn toàn có thể triển khai nó theo cách hiểu và đưa ra quan điểm của mình.
Ví dụ: ““Tôi đã học viết bằng cách viết” là câu nói mới đây của nhà văn Neil Gaiman khiến mình cảm thấy vỡ ra nhiều điều. Bởi từ trước đến nay, mình đã gặp quá nhiều người mà khi mình nói đến việc hãy viết đi, họ đều từ chối. Họ nói họ không biết viết, không có ý tưởng… dù thậm chí chưa đặt tay xuống thử viết”…
→ Tham khảo: 6+ Cách viết Content hay!
7. Đi từ số nhiều sang số ít để mở đầu bài viết
Đây là một công thức mà mình đã dùng rất nhiều trong quá trình làm báo và sau này mới biết là chúng ta đã từng được học trong môn… tập làm văn.
Rất dễ để áp dụng như những ví dụ thế này thôi: “Nhiều người cho rằng sau sinh, phụ nữ sẽ phải đối mặt với tình trạng xuống sắc thậm tệ. Nhưng với trường hợp của P.N thì ngược lại…”, “Đôi khi tôi cảm thấy bạn bè lao vào công việc, ai cũng gặt hái được những thành công nhất định nhưng riêng tôi thì không”…
Công thức này thường được dùng khi bạn phát hiện ra một điều gì đó riêng lẻ, khác với số đông.
Cuối cùng, sau 7 ý tưởng trên là một lời nhắn đến bạn: Hãy tiếp tục viết nhiều và đều, đến một lúc, bạn sẽ không cần phải hỏi mình nên bắt đầu như thế nào nữa mà chỉ cần ngồi xuống là ngôn từ tuôn ra ào ạt. Nhưng để đến được “thời khắc huy hoàng” đó, hãy bắt đầu vượt qua từng vướng mắc một ở hiện tại này trước tiên đã nhé!
Ngoài các cách mở đầu bài viết ở trên, các cây viết khác có thêm ý tưởng nào thì hãy liệt kê thêm giúp mình nhé! Cảm ơn cả nhà nhiều và mong mọi người vẫn giữ được cảm hứng để viết mỗi ngày.
Theo LA Storyteller