Tại các địa phương, trong hoạt động bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bên cạnh lực lượng công an còn có sự đồng hành của lực lượng dân phòng. Lực lượng này đã giúp ích rất nhiều trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại các xã, phường, thị trấn. Vậy lực lượng dân phòng là gì?
Dân phòng là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có những quy định cụ thể về lực lượng dân phòng. Tuy nhiên, các quy định trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy có chỉ ra: “Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.”
Như vậy, có thể thấy, lực lượng dân phòng có 2 nhiệm vụ chính theo quy định của luật Phòng cháy chữa cháy:
– Tham gia vào hoạt động phòng cháy chữa cháy.
– Giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.
Nhiệm vụ của lực lượng dân phòng
Lực lượng dân phòng trong lực lượng phòng cháy chữa cháy có nhiệm vụ như sau:
+ Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy.
+ Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
+ Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
+ Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, thực tế lực lượng dân phòng ở địa phương còn hoạt động như những bảo vệ tổ dân phố, và theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP quy định nhiệm vụ của lực lượng này như sau:
– Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường theo quy định của pháp luật.
– Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội.
– Tham gia với lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.
Thành lập lực lượng dân phòng
Bên cạnh giải đáp câu hỏi lực lượng dân phòng là gì? thì ở nội dung này chúng tôi sẽ tư vấn về sự thành lập của dân phòng.
Công an cấp xã có trách nhiệm tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập đội dân phòng trên cơ sở đề xuất của Trưởng thôn và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của đội dân phòng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, nơi làm việc, trang bị phương tiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết và duy trì hoạt động của đội dân phòng.
* Bố trí lực lượng dân phòng
– Đội dân phòng có biên chế từ 10 người đến 20 người, trong đó 01 đội trưởng và 01 đội phó; biên chế trên 20 người đến 30 người được biên chế thêm 01 đội phó. Đội dân phòng có thể được chia thành các tổ dân phòng; biên chế của tổ dân phòng từ 05 đến 09 người, trong đó có 01 tổ trưởng và 01 tổ phó;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định bổ nhiệm đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phòng.
– Thành viên đội dân phòng là những người thường xuyên có mặt tại nơi cư trú.
– Cơ quan Công an có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đối với lực lượng dân phòng.
Trên đây là nội dung bài viết lực lượng dân phòng là gì? Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của chúng tôi.