Influencer là gì? Có bao nhiêu loại Influencer? Tiêu chí đánh giá và cách lựa chọn Influencer cho chiến dịch Marketing như thế nào? Cùng Loan tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Influencer là gì?
Influencer là những người có khả năng ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi mua hàng của người khác nhờ vào danh tiếng về kiến thức, chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể.
Influencer có một lượng người theo dõi ổn định trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikTok, Instagram, …Mỗi khi influencer chia sẻ nội dung về chủ đề nào đó sẽ thu hút được một lượng lớn người theo dõi tương tác nhiệt tình và chú ý theo dõi quan điểm của họ.
Influencer có tầm ảnh hưởng càng lớn thì sẽ càng có cơ hội lọt vào mắt xanh của các nhãn hàng để trở thành gương mặt đại diện cho sản phẩm. Sử dụng influencer là phương pháp marketing được nhiều nhãn hàng ưa chuộng vì những cá nhân này có thể tạo ra xu hướng và kích thích mọi người mua sản phẩm.
Phân loại Influencer
Dựa vào mức độ ảnh hưởng, influencer được chia thành 3 loại gồm:
1. Người nổi tiếng (Celebrities)
Celebrity là cá nhân có độ nhận diện vô cùng rộng. Mỗi cử chỉ, hành động của họ từ nhỏ đến lớn đều sẽ thu hút được sự chú ý của dư luận và công chúng.
Những người được gọi là celeb bao gồm diễn viên, ca sĩ, chính trị gia cấp cao, người dẫn chương trình truyền hình, vận động viên ở giải đấu lớn,….
Chi phí marketing dành cho người nổi tiếng khá tốn kém. Tuy nhiên nhờ sức ảnh hưởng của họ mà doanh số bán hàng của doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng một cách đáng kể, thậm chí có thể làm sống dậy cả một thương hiệu đã bị lãng quên.
Trước khi đưa ra quyết định hợp tác với người nổi tiếng, các nhãn hàng sẽ cần phải xem xét trên nhiều phương diện như phong cách của celeb có phù hợp với hình ảnh của thương hiệu hay không, lĩnh vực mà celeb ảnh hưởng nhiều nhất là gì, mức độ chi trả của fan là bao nhiêu,…
Ví dụ như Sơn Tùng là một celeb hàng đầu tại Việt Nam với hàng chục triệu fan là giới trẻ. Anh có thể sẽ tạo ra sức ảnh hưởng lớn nếu như quảng bá cho một hãng chuyên về kem trị mụn, nhưng sẽ khó tạo ra ảnh hưởng đối với sản phẩm sữa cho người già.
2. Professional influencers
Professional Influencers là những người ảnh hưởng có trình độ chuyên môn cao trong một lĩnh vực cụ thể như du lịch, nhiếp ảnh, thời trang, làm đẹp, thể dục thể thao, ẩm thực,… Những chia sẻ của họ được đánh giá là vô cùng uy tín nên tỷ lệ chuyển đổi khách hàng cũng rất cao.
Đồng nghĩa với việc này là các nhãn hàng phải rất khó khăn mới có thể tiếp cận được Professional Influencers. Phải là sản phẩm tốt, công ty uy tín thì mới có cơ hội hợp tác. Lý do là bởi họ đã xây dựng được lượng người theo dõi có kiến thức chuyên môn, nên họ sẽ không muốn làm tổn hại danh tiếng của mình nếu chẳng may bị phát hiện quảng cáo sản phẩm chất lượng kém.
3. Citizen influencers
Đây là nhóm có tầm ảnh hưởng nhỏ nhất trong 3 nhóm influencers. Citizen influences bao gồm:
- Tài khoản mạng xã hội có hơn 5.000 followers;
- Người chuyên sản xuất nội dung bằng cách review, đánh giá về sản phẩm và có lượng tương tác lớn.
Như vậy nếu ai đó vô tình nổi tiếng sau một đêm chỉ với một đoạn cover bài hát hoặc cover vũ đạo,… mà thu hút được hơn 5.000 người biết đến thì cũng được coi là một citizen influencer.
Tiêu chí đánh giá Influencer
Để đánh giá về mức độ ảnh hưởng và hiệu quả marketing của một influencer, chúng ta sẽ xem xét dựa trên 4 tiêu chí sau:
1. Reach
Tiêu chí này được đo lường dựa trên số lượng followers hoặc subscribers trên mạng xã hội. Mức độ ảnh hưởng và thu hút của influencer sẽ tỷ lệ thuận với con số này.
Tuy nhiên do nhu cầu sử dụng influencers tại Việt Nam ngày càng nhiều, kéo theo sự phát triển của dịch vụ mua follow ảo. Nên tiêu chí này chỉ phản ánh phần nào đó mức độ ảnh hưởng chứ chưa đủ dữ liệu để đánh giá.
2. Relevance
Tiêu chí này phản ánh độ tương đồng của influencer với hình ảnh thương hiệu (brand image). Influencer có độ tương đồng cao với nhãn hàng sẽ giúp người dùng liên tưởng đến sản phẩm của hãng và ngược lại.
Influencer được chọn mặt gửi vàng trở thành đại sứ thương hiệu sẽ phải xem xét dựa trên 4 góc độ gồm:
- Thương hiệu cá nhân (Personal image): Phong cách thời trang, tính cách, quan điểm sống, phát ngôn;
- Chủ đề của các bài viết trên mạng xã hội (Type of post/ topic);
- Thông tin nhân khẩu học (Demographic): Lĩnh vực hoạt động, tình trạng hôn nhân, tuổi tác;
- Đặc điểm của fans/followers: Chủ đề mà họ quan tâm, mức độ sẵn sàng chi trả, độ tuổi trung bình, giới tính.
3. Resonance
Tiêu chí này được đo lường dựa trên mức độ tương tác của fans, thể hiện bằng số lượt reaction, comment, share ở dưới mỗi bài đăng mà influencers đăng tải. Những con số này sẽ phản ánh được chất lượng nội dung thông điệp mà influencer truyền tải tới người tiêu dùng.
4. Sentiment
Tiêu chí này là chỉ số cảm xúc của người tiêu dùng đối với nhãn hàng thông qua thái độ với influencer. Một ví dụ điển hình nhất vừa diễn ra vào cuối tháng 5 năm 2021 là scandal thiếu minh bạch tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh. Cộng đồng mạng đã thể hiện sự phẫn nộ bằng cách đồng loạt thả icon phẫn nộ tại trang fanpage chính thức của nhãn hàng và tẩy chay các sản phẩm mà nghệ sĩ này làm đại diện.
→ Bạn thắc mắc không biết Influencer có gì khác KOL? Xem ngay bài viết: KOL là gì?
Influencer Marketing là gì?
Influencer Marketing là cách mà doanh nghiệp sử dụng những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng để cải thiện nhận thức về thương hiệu, tăng lượng truy cập và hướng thông điệp đến khách hàng mục tiêu.
Doanh nghiệp có thể chọn cách tự soạn sẵn nội dung thông điệp hoặc để cho influencer tự sáng tạo nội dung.
Influencer marketing ngày càng phổ biến hơn tại Việt Nam. Những công cụ marketing truyền thống như báo giấy, banner, áp phích, tờ rơi, … trở nên kém hiệu quả hơn trong việc thu hút khách hàng tiềm năng.
Lý do là bởi khách hàng có xu hướng tin tưởng đồng nghiệp, bạn bè và những người mà họ ngưỡng mộ hơn là lời quảng cáo chào hàng của các công ty bán sản phẩm, dịch vụ.
→ Đọc bài: Digital Marketing là gì?
Cách lựa chọn Influencer cho chiến dịch Marketing
Vòng đời của một sản phẩm nào cũng phải trải qua 4 giai đoạn gồm: Triển khai, tăng trưởng, bão hòa, suy thoái. Ở mỗi giai đoạn, doanh nghiệp sẽ có cách thức sử dụng influencer khác nhau. Dưới đây là các cách lựa chọn influencer dựa theo mục tiêu marketing:
1. Mục tiêu tăng độ nhận diện thương hiệu
Đối với những thương hiệu mới ra mắt thị trường hoặc thương hiệu đã bị mất tiếng vang thì mục tiêu trước mắt là cần tăng độ nhận diện thương hiệu. Influencer tốt nhất cho giai đoạn này là sử dụng người nổi tiếng (celebrities).
Chỉ cần 1 bài đăng của họ trên mạng xã hội, tức thời sản phẩm của nhãn hàng đã tiếp cận được với hàng triệu người. Nếu kết hợp với content chất lượng thì lượng người dùng tiếp cận sẽ càng lớn hơn. Điều này marketing truyền thống chưa chắc đã làm được.
2. Mục tiêu tăng mức độ quan tâm
Khi mà khách hàng mục tiêu đã biết đến sản phẩm và thương hiệu, họ sẽ bắt đầu tò mò và tìm hiểu thông tin liên quan đến sản phẩm. Nhưng người tiêu dùng sẽ có xu hướng tự tìm hiểu hoặc hỏi những người có kinh nghiệm. Do đó nếu doanh nghiệp muốn tăng mức độ quan tâm thì nên sử dụng professional influencers hoặc citizen influencers.
Tùy theo đặc tính của sản phẩm mà hãng sẽ có lựa chọn thích hợp. Đối với sản phẩm trong ngành công nghệ, sức khỏe, làm đẹp… thì các chuyên gia uy tín mới có đủ kiến thức và trình độ để giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng. Còn đối với những sản phẩm mẹ và bé thì hãng phải kết hợp với citizen influencers có con nhỏ chia sẻ kinh nghiệm chăm con mới mang lại hiệu quả tốt.
3. Mục tiêu tăng tỷ lệ mua hàng
Sau quá trình tìm hiểu kỹ càng về sản phẩm thì người tiêu dùng mới đưa ra quyết định có nên mua hàng hay không. Ở giai đoạn này, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì nhãn hàng cần chọn influencer có độ liên kết cao với hình ảnh thương hiệu (relevance).
Các bước trở thành Influencer
Trở thành một influencer sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định và có cơ hội hợp tác với nhiều nhãn hàng lớn. Bởi vậy việc mọi người tò mò về cách trở thành influencer là điều hiển nhiên. Dưới đây là 3 bước cơ bản nếu như muốn trở thành influencer nhé:
Bước 1: Chọn ra lĩnh vực cụ thể để phát triển nó
Bước này là bước bắt buộc và nếu không có nó, bạn sẽ rất khó khăn để xây dựng một cộng đồng gồm những người quan tâm đến lĩnh vực này. Bất kể lĩnh vực bạn chọn là gì, hãy đảm bảo rằng bạn thực sự yêu thích nó.
Lý do bởi việc trở thành influencer đòi hỏi sự kiên trì, khi bắt đầu làm việc sẽ gặp phải nhiều khó khăn và chưa có nhiều người xem. Như vậy chỉ khi được chia sẻ những thứ mình thích thì bạn mới không chán nản mà bỏ cuộc giữa chừng.
Để chọn ra được lĩnh vực cụ thể, hãy tự hỏi chính bản thân mình xem bạn thích gì và bạn giỏi nhất trong lĩnh vực nào. Bạn có thể chọn một trong các lĩnh vực sau:
- Du lịch
- Lifestyle
- Thời trang
- Ẩm thực
- Làm đẹp
- Các môn thể thao
- Chơi game
- Giải trí
- Công nghệ
- Sức khỏe và Thể hình
Ví dụ, nếu bạn có thói quen ăn thực phẩm healthy để giữ dáng thì việc bạn trở thành influencer động viên chị em và chia sẻ kinh nghiệm eatclean sẽ rất hợp lý đấy.
Bước 2: Lựa chọn nền tảng xã hội phù hợp
Song song với việc chọn đúng lĩnh vực, con đường trở thành influencer của bạn có thành công hay không cũng phụ thuộc vào việc tìm được đúng đối tượng khán giả và nền tảng xã hội.
Tại Việt Nam thì Facebook là nền tảng có nhiều người dùng nhất, nhưng trên thế giới thì Instagram mới là nền tảng tạo ra nhiều influencer nhất. Ngoài ra cũng còn nhiều nền tảng khác như YouTube, TikTok, Twitter, Pinterest, Snapchat.
Ví dụ: Nếu bạn muốn trở thành Fashion blogger, đối tượng người xem mà bạn hướng tới là thế hệ gen Z thì Instagram, Facebook, TikTok và YouTube sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Bước 3: Lên kế hoạch content bài bản
Để kênh phát triển một cách bền vững thì chỉ có cách khiến người xem bị cuốn hút vào nội dung của bạn mà thôi. Điều cực kỳ quan trọng là nội dung của bạn phải độc đáo, uy tín và có ý nghĩa thì mới gây được tiếng vang với khán giả.
Tùy thuộc vào từng lĩnh vực và nền tảng xã hội, bạn có thể chọn nhiều hình thức thể hiện content khác nhau như video ngắn, ảnh, bài đăng trên blog, ảnh, video dài và podcast. Bạn cũng có thể tổ chức các cuộc thi hoặc chương trình tặng quà để thu hút nhiều người tham gia.
Bên cạnh đó, bạn phải lên kế hoạch post bài đều đặn hàng tuần vào các khung giờ cụ thể. Dù content chất lượng nhưng bạn không đăng bài đều đặn thì cũng không thể nào thu lại được lượng người xem ổn định.
Trên đây là định nghĩa về Influencer là gì, cách phân loại cũng như tiêu chí lựa chọn Influencer cho chiến dịch Marketing để bạn tham khảo. Bạn còn cần giải đáp gì thêm thì đừng ngại để lại bình luận dưới bài viết này nhé!